Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

Tái cơ cấu ngân hàng: Củng cố niềm tin các đối tác nước ngoài

Các nhà đầu tư, tổ chức tài chính và hãng định mức tín nhiệm quốc tế đều có những đánh giá tích cực và khuyến cáo Việt Nam đẩy mạnh những động thái tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Một số động thái thời gian qua của hệ thống ngân hàng Việt Nam được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao như hoàn thiện và đưa vào thực hiện các tiêu chuẩn quản trị mới theo hướng tiếp cận nhanh thông lệ quốc tế; thực hiện cổ phần hoá, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động ngân hàng thương mại nhà nước; và có phương án xử lý cụ thể để giảm nhanh các ngân hàng yếu kém với chi phí ít nhất.

Hợp nhất ngân hàng làm hệ thống mạnh hơn
Việc ba ngân hàng thương mại (Ficombank, TinNghiaBank và SCB) tự nguyện hợp nhất đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, từ hành lang pháp lý tới những thông điệp trấn an.
Cuối tháng 10/2011, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp khuyến khích các tổ chức tín dụng tự nguyện tìm hiểu lẫn nhau để mua lại, sáp nhập, hợp nhất. Trước đó, Thông tư 04/2010/TT-NHNN ngày 11/02/2010 quy định việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước ban hành.
Tại nhiều cuộc họp, hội nghị thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh tới nội dung tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, một phương án giúp giảm nhanh các ngân hàng yếu kém với chi phí ít nhất là dùng các tổ chức quy mô lớn, lành mạnh tham gia vào việc tái cấu trúc các tổ chức tín dụng nhỏ hơn.
Với cách làm bài bản như vậy, việc ba ngân hàng hợp nhất với sự tham gia của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được hãng định mức tín nhiệm có uy tín Fitch Ratings nhận định là một bước tiến tích cực mà Việt Nam đạt được trong nỗ lực cải thiện sức mạnh cho hệ thống ngân hàng, dù rằng việc hợp nhất cũng phản ánh những áp lực mà hệ thống ngân hàng của Việt Nam đang phải đương đầu.
Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, khi đã ổn định, ngân hàng hợp nhất mới sẽ có cơ hội đón các nguồn vốn khác, kể cả vốn từ nhà đầu tư nước ngoài.
Kỳ vọng nói trên không phải là không có cơ sở. Ngay khi các thông tin ban đầu về hợp nhất 3 ngân hàng mới được loan báo, đã có những nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới thương vụ này và triển khai các hoạt động cụ thể. Theo báo Đầu tư, Tập đoàn Macquarie (Macquarie Group) của Australia đang quản lý số tài sản trị giá khoảng 317 tỷ USD đã hoàn tất việc ký kết hợp tác chiến lược vào 3 ngân hàng hợp nhất.
ngân hàng habubank

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét