Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Nhiều ngân hàng thể trạng ốm yếu

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, khả năng cạnh tranh của các ngân hàng Việt Nam rất thấp với số lượng ngân hàng nhiều nhưng chưa đủ lớn để cạnh tranh so với các ngân hàng nước ngoài. 

Bài liên quan : <<  Ngân hàng Habubank Xóa Nợ Thành Công>>
 
 Số lượng ngân hàng lớn cạnh tranh với nhau gay gắt sẽ làm hệ thống ngân hàng khó ổn định lâu dài.
Hầu hết đều báo cáo nợ xấu
TS Phạm Đỗ Chí – Nguyên chuyên viên cao cấp Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá: Ở các ngân hàng Việt Nam ngoài chuyện vốn điều lệ thấp thì hệ số an toàn tối thiểu (CAR) chưa cao. Hầu hết ở các nước, tỉ lệ vốn tự có trên tổng tài sản cũng khoảng 20%. Trong khi đó, ở Việt Nam con số này chỉ khoảng hơn 10%, đây là cảnh báo về sự yếu kém tồn đọng trong hệ thống ngân hàng ở Việt Nam.
Nợ xấu của ngành ngân hàng liên tục tăng cao từ 2,91% (2010) lên 3,46% (2011). Đầu năm 2012, nợ xấu của ngành ngân hàng lại tiếp tục gia tăng. Tại TP HCM, theo báo cáo của UBND thành phố, tính đến ngày 29/2/2012, tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn thành phố là 4,68%, tăng 0,38% so với cuối năm 2011.
Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân cho rằng: Nhiều ngân hàng bộc lộ “thể trạng” ốm yếu khó có thể cầm cự. Việc tái cấu trúc tài chính, tín dụng, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần là vấn đề bức thiết cần làm ngay, không thể cứ để tiếp diễn tình trạng nợ xấu ở khu vực ngân hàng cứ tháng sau cao hơn tháng trước.
Theo phân tích của các chuyên gia: Cuối năm 2011, lãi suất ngân hàng liên tục tăng nóng và khó kiểm soát, số đông giao dịch với mức lãi suất cao từ 22-25%, có lúc lên đến 30%. Đồng thời, xảy ra tình trạng chưa từng có tiền lệ trước đây là hiện tượng vay liên ngân hàng cũng yêu cầu tài sản đảm bảo và cũng có trường hợp ngân hàng đi vay không thanh toán đúng thời hạn cho ngân hàng cho vay. Điều này chứng tỏ thanh khoản của nhiều ngân hàng có vấn đề.
Bên cạnh đó, một thực trạng tác động lớn làm cho chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng kém đi là việc bất động sản đóng băng, hàng loạt các công ty đầu tư bất động sản không có vốn phải bán rẻ hoặc thanh lý tài sản, làm lãi suất thị trường gia tăng nhanh chóng. Vấn đề nợ xấu cũng gia tăng. Hầu hết các ngân hàng đều báo cáo nợ xấu năm 2011 tăng so với trước đó.
TS Nguyễn Đại Lai – NHNN cho biết: Trong năm 2011, dù nợ xấu của các ngân hàng được công bố không quá 4% tổng dư nợ và vẫn nằm trong chuẩn của Việt Nam. Nhưng, nợ có nguy cơ mất vốn chiếm tỉ trọng cao. Nợ có nguy cơ mất vốn chiếm khoảng 50%/tổng nợ xấu là con số rất đáng lo ngại. Trong bối cảnh các thị trường cổ phiếu, trái phiếu chưa phát triển được thì gánh nặng rủi ro tín dụng đè nặng lên vai các ngân hàng. Nhiều tổ chức tín dụng gặp khó khăn thanh khoản khiến NHNN phải cấp vốn tái chiết khấu, tái cấp vốn theo hồ sơ vay cho hàng loạt các tổ chức tín dụng với doanh số lớn.
Hoạt động ngân hàng trong năm 2011 bắt đầu có sự tách tốp do NHNN nới lỏng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng vào cuối năm. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng tuy khác nhau khá lớn nhưng kết quả hoạt động kinh doanh năm 2011 của những ngân hàng này đều tương đối tốt so với năm 2010.
Lợi nhuận sau thuế được công bố cao nhất là của CTG với 5.784 tỉ đồng, tiếp đến lần lượt là của: VCB (4.527,8 tỉ đồng), ACB (3.193,8 tỉ đồng), EIB (3.051,3 tỉ đồng), MB (2.129 tỉ đồng), Sacombank (2.033,1 tỉ đồng), SHB (735,8 tỉ đồng) và Habubank (348,8 tỉ đồng). Riêng Habubank, quý IV/2011, ngân hàng mẹ lỗ 41,7 tỉ đồng do thua lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối.
Tuy lợi nhuận hoạt động ngân hàng được báo cáo vẫn cao nhưng một số yếu tố về chất lượng hoạt động của ngân hàng bắt đầu có dấu hiệu xấu, đó là vấn đề thanh khoản và nợ xấu như đã nêu trên.
Ngân hàng Habubank

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét