Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Ngân hàng-doanh nghiệp tập trung tháo gỡ khó khăn

Ngày 28/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội nghị “Kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” đã được tổ chức với sự tham dự của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình; Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng cùng đại diện các ngân hàng lớn, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp...


Bài liên quan : <<  Ngân hàng habubank vượt qua khó khăn  >>
                         <<  Ngân hàng habubank phát triển mạnh   >>


 
Hội nghị tập trung trao đổi, bàn bạc về các giải pháp khơi thông dòng vốn tín dụng đối với nền kinh tế, tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận đầy đủ thông tin về cơ chế chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất. Đây là cơ hội để ngân hàng và doanh nghiệp trao đổi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ hai phía, cùng đồng hành phát triển trong thời gian tới.

Những chuyển biến tích cực

Các đại biểu đánh giá, thời gian gần đây, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có rất nhiều các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, duy trì, ổn định và phát triển sản xuất.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hàng loạt cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng. Thực tế cho thấy, cho đến nay các chính sách về tín dụng, cơ cấu nợ và lãi suất đã và đang phát huy tác động hiệu ứng đến thị trường tiền tệ và các hoạt động ngân hàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Vốn tín dụng được tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ và đặc biệt là 4 nhóm lĩnh vực ưu tiên với tổng dư nợ cho vay 4 nhóm đối tượng này đạt 26.612 tỷ đồng. Tín dụng đã có tín hiệu tăng trưởng trở lại: 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tăng 0,37%, riêng tháng 6/2012 tăng 0,35%; tín dụng Việt Nam Đồng tăng 1,68%. Gắn liền với quá trình này, các tổ chức tín dụng đã và đang thực hiện các gói hỗ trợ, với lãi suất ưu đãi: 11%-13% cho các lĩnh vực ưu tiên.

Đồng thời các ngân hàng đang tích cực xây dựng quy trình và bộ máy thực hiện việc cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp nhằm giảm bớt khó khăn, giảm bớt áp lực trả nợ cho doanh nghiệp, theo đó tổng dư nợ cơ cấu lại nợ trong tháng 6/2012 trên địa bàn khoảng 10.000-12.000 tỷ đồng.

Trên cơ sở sự đồng thuận của các ngân hàng thương mại và chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về điều chỉnh giảm lãi suất tiền vay tối đa 15%, đến nay khối Ngân hàng thương mại Nhà nước và Ngân hàng thương mại cổ phần đã điều chỉnh cơ bản dư nợ cũ về lãi suất tối đa 15%/năm.

Mặt khác, tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng xuất hiện những mô hình mới như việc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh chủ động phối hợp với Ủy ban Nhân dân các quận, huyện kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trực tiếp ký kết các bản cam kết, các hợp đồng tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp đã được tổ chức thành công như chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ được thực hiện tại quận Tân Bình với sự tham gia của các chi nhánh ngân hàng BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank; ngân hàng Sacombank có chương trình hỗ trợ vốn cho một số doanh nghiệp; ngân hàng Đông Á có chương trình hỗ trợ cho Hội Doanh nhân trẻ thành phố. Qua các chương trình này, ước khoảng 17.000 tỷ đồng đã và đang được các doanh nghiệp tiếp cận.

Kiến nghị giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp

Theo đại diện các hiệp hội ngành hàng, hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay vẫn tồn tại những khó khăn cơ bản như: nợ đọng, nguyên vật liệu và hàng hóa tồn kho cao. Trong đó, một trong những khó khăn lớn nhất là nguồn vốn và những vấn đề liên quan đến vốn vay ngân hàng như lãi suất, kỳ hạn nợ, cơ cấu nợ, điều kiện cho vay…

Để giải quyết những khó khăn này, đại diện Tổng công ty Bến Thành đề nghị cần tiếp tục giảm lãi suất xuống trong khoảng 12%-13%/năm.

Đại diện Công ty Minh Tiến kiến nghị xem xét kỹ các khoản nợ đọng và mong muốn lãi suất cho vay sẽ thấp hơn 10%, đồng thời kiến nghị Chính phủ có các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho.

Đại diện Hiệp hội cơ khí điện cho biết, một số doanh nghiệp của ngành hàng này đã phải “thở ôxy” vì lãi suất ngân hàng thời gian qua quá cao và xin miễn phạt cho các khoản nợ xấu quá hạn.

Ông Võ Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm Sứ Việt Nam cũng cho biết trong tình hình khó khăn kéo dài suốt gần 4 năm qua, nhiều doanh nghiệp đã bị “quét sạch” lợi nhuận có được từ 5-10 năm trước đó. Ông hoan nghênh những chính sách về cơ cấu lại nợ của Ngân hàng Nhà nước và đề nghị cần sớm triển khai các gói kích cầu đúng địa chỉ.

Ông Nguyễn Hoàng Hà, đại diện Hội doanh nhân trẻ thành phố cũng kiến nghị cần phải ổn định lãi suất ít nhất từ một năm trở lên…

Đại diện các ngân hàng đều khẳng định mối quan hệ gắn bó, tương hỗ, đồng hành với doanh nghiệp trong quá trình phát triển.

Ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc ngân hàng Đông Á cho biết, ngân hàng này đã chấp nhận giảm lãi để có thanh khoản tốt và hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cho biết ngân hàng này đã tiến hành giãn nợ, khoanh nợ cho các doanh nghiệp với số tiền 1.500 tỷ đồng; dành gói hỗ trợ 2.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay với lãi suất 13%...

Ông Phạm Quang Tùng, Phó Tổng giám đốc BIDV cũng xác định rõ Thành phố Hồ Chí Minh là một địa bàn kinh tế trọng điểm, nơi chiếm 1/3 tổng dư nợ của ngân hàng này. BIDV chấp nhận lợi nhuận giảm 20% trong 6 tháng đầu năm nay để thực hiện các giải pháp hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp…

Thống đốc Nguyễn Văn Bình đánh giá cao sự liên kết-kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, chia sẻ cơ hội kinh doanh hợp tác cùng phát triển.

Ông cũng hoan nghênh các ngân hàng đã có nhiều nỗ lực thực hiện việc cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp; từng bước giảm lãi suất cho vay và nhận định nếu CPI năm nay giảm xuống dưới 7%, lãi suất huy động có điều kiện để tiếp tục giảm xuống dưới 8%, vào năm tới một số khoản cho vay ưu đãi có thể giảm xuống dưới 10%.

Ông Bình cho rằng, sự khơi thông dòng vốn tín dụng, kích thích tăng trưởng kinh tế đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của nhiều cấp, nhiều ngành. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai hàng loạt các giải pháp để tích cực thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về tăng cường kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tái cấu trúc nền kinh tế và cam kết tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ như duy trì ổn định cho vay tái cấp vốn 10% cho các ngân hàng thương mại trong thời gian 1 năm; cấp đủ vốn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và nông thôn; đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các công trình trọng điểm; xuất nhập khẩu; tăng cường giải quyết nợ đọng; kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của doanh nghiệp trong việc tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp…/.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét